Các diễn giả bước vào phiên thảo luận. Từ trái qua: bà Đàm Bích Thuỷ - Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam, ông Phạm Tiến Dũng- Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng nhà nước, ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng cục công nghệ thông tin Ngân hàng nhà nước, và ông Trần Xuân Toàn - Ủy viên Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhà báo Trần Xuân Toàn: Xin bà Đàm Bích Thủy chia sẻ kinh nghiệm ở các nước về thực hiện thói quen thanh toán không dùng tiền mặt và để làm thế nào có thể áp dụng ở VN?
Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam:
- Thanh toán điện tử phát triển phải rất thuận tiện, đã trở thành thuận tiện thì sẽ là thói quen. Và khi hành vi đó trở thành thói quen rồi thì người ta sẽ khó bỏ. Chính vì vậy, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phải làm thế nào để thuận tiện, dễ sử dụng. Một vấn đề quan trọng nữa là người dân lo ngại là chi phí sử dụng. Thực tế, biểu phí không lành mạnh cho các bên tham gia. Cùng với đó là vấn đề an toàn bảo mật trong thanh toán.
Nhà báo Trần Xuân Toàn: Tiến tới chúng ta xây dựng hệ sinh thái để người dân ở các vùng có thể tiếp cận được thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận chi phí tốt nhất. Vậy làm thế chúng ta xây dựng dữ liệu kết nối để không lãng phí nguồn lực, giảm chi phí tốt nhất cho xã hội?
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng nhà nước:
- Chúng tôi nhận thức rất rõ về việc đồng bộ cơ sở hạ tầng. Do đó, hiện nay không có chuyện nhiều tiêu chuẩn QR code. Từ tháng 10-2018, Ngân hàng nhà nước đã ban hành tiêu chuẩn QR code để ứng dụng của NH nào cũng làm được. Đây là điều rất quan trọng.
Tôi cũng xin chia sẻ, chúng tôi đã bàn rất nhiều với vụ kinh tế số của Bộ Công thương. Câu chuyện lòng tin ở đây là còn phải thanh toán đảm bảo với những món thanh toán lớn.
Với ví điện tử, người dùng có thể trả cho người đưa hàng bằng ví điện tử. Nhưng cái mà Ngân hàng nhà nước hướng tới là chia sẻ hạ tầng kỹ thuật. Đơn cử, nếu không có Napas, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Một cửa hàng muốn thanh toán với Ngân hàng thì cửa hàng đó phải kết nối với ngân hàng. Do đó, tất cả các đường dây mắc nối của ngân hàng sẽ phải chằng chịt.
Công ty điện lực muốn thanh toán qua ngân hàng thì cũng phải đầu tư mạng lưới. Nên cái đầu tiên mà chúng tôi nhấn mạnh là phải thiết lập hạ tầng, trong đó hạ tầng chuyển mạch và bù trừ thanh toán là quan trọng nhất.
Ngành ngân hàng làm Big Data mà ngành ngân hàng đang tập trung triển khai. Big data của các ngân hàng sẽ là tiến tới đến mức phân tích hàng vi khách hàng.
Và với các công ty Fintech cũng chia sẻ dữ liệu ngân hàng, giúp cho các công ty và ngân hàng chia sẻ kết nối.
Tôi nói gọn một câu là dữ liệu thanh toán là cực kỳ quan trọng giúp cho các bên chia sẻ hạ tầng, trong đó có hạ tầng dữ liệu.
Bà Đàm Bích Thủy - Chủ tịch Fulbright Việt Nam: Về vấn đề bảo mật, tôi muốn hỏi đại diện của Ngân hàng nhà nước về nội dung này. Mỗi ngày có hàng tỉ giao dịch. Liệu có bao nhiêu giao dịch có khả năng bị lộ thông tin?
Ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
- Có thể lấy hình ảnh giao thông để so sánh thanh toán không dùng tiền mặt là giao thông bằng đường bộ và đường không. Đối với hàng không, thiệt hại về người rất ít. Số vụ xảy ra ít, nhưng khi xảy ra mức độ chấn động thường rất lớn. Còn tại Việt Nam, chúng ta thấy hệ thống thanh toán đảm bảo an toàn bởi khi triển khai hệ thống thanh toán, Ngân hàng Nhà nước bao giờ cũng đánh giá rủi ro để có giải pháp đảm bảo an toàn cho hoạt động thanh toán.
Hiện nay một ngày thanh toán điện tử liên ngân hàng vào khoảng 3.000 tỉ đồng. Đây là con số rất lớn nhưng cho đến nay chưa có rủi ro liên quan đến tài chính mà hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng. Ngành ngân hàng triển khai nhiều giải pháp đển bảo mật chặt chẽ, nhiều tầng, sử dụng cả các giải pháp phân tích qua hành vi giao dịch của khách hàng để nhận biết rủi ro.
Bà Đàm Bích Thủy - Chủ tịch Fulbright Việt Nam: Việt Nam đang có cơ cấu dân số trẻ, dễ dàng trong việc tiếp cận các phương thức thanh toán mới mẻ. Vậy Việt Nam có cần đi từng bước trong thanh toán không dùng tiền mặt, chẳng hạn từ thẻ tiếp xúc, sang thẻ không tiếp xúc vẫn phải duy trì POS, điểm chấp nhận thanh toán hay tận dụng dân số trẻ, mở, để tiến đến các phương thức thanh toán mới?
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước:
- Về vấn đề này, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rất mở, quan điểm là lấy người dùng làm trọng tâm. Năm 2018 Ngân hàng Nhà nước ban hành bộ tiêu chuẩn hai trong một dành cho thẻ tiếp xúc và không tiếp xúc. Việt Nam cũng triển khai mạnh thanh toán qua ví điện từ và thanh toán trên mobile và cũng nằm trong số ít quốc gia thế giới triển khai thanh toán qua Samsungpay.
Như vậy có thể thấy quan điểm của Ngân hàng Nhà nước rất mở trong việc áp dụng các phương thức thanh toán mới. Các ngân hàng Việt Nam cũng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0, dưới nhiều góc độ. Nhiều quốc gia coi ứng dụng công nghệ là dự án nhưng ngân hàng Việt Nam coi là ứng dụng công nghệ.
Nhà báo Trần Xuân Toàn: Tôi muốn đặt câu hỏi với ông Lê Hải Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử - là hiện nay lứa tuổi 18 đến 25 mua hàng qua mạng rất nhiều. Tuy nhiên phần nhiều trong số đó vẫn trả bằng tiền mặt. Vậy làm sao để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt với thương mại điện tử?
Ông Lê Hải Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử:
- Theo số liệu của Hiệp hội thương mại điện tử, hiện 90% người mua hàng qua mạng trả bằng tiền mặt. Một trong những lý do khiến ít người thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng qua mạng là yếu tố niềm tin. Do vậy họ chủ yếu dùng hình thức ship COD, tức giao hàng trả tiền mặt. Nhưng theo chúng tôi, đã đến lúc nên định nghĩa lại COD, và cũng nên tính đến phương án người giao hàng thay vì nhận tiền mặt như hiện tại thì cầm theo máy POS để cà thẻ trả tiền.
Bà Đàm Bích Thủy - Chủ tịch Fulbright Việt Nam: Hiện một mặt Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nhưng việc đồng hành của các cơ quan truyền thông theo chị Lê Thị Thuý Sen - Vụ phó vụ truyền thông Ngân hàng Nhà nước thế nào?
Bà Lê Thị Thúy Sen:
- Chúng ta đang phải tiến đến việc tối ưu thanh toán không dùng tiền mặt. Trong thời gian qua đã có sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan truyền thông, hiện thanh toán qua ngân hàng, qua Internet banking, mobile banking tăng lên rất nhiều.
Với Ngân hàng Nhà nước hiện ba trụ cột để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt gồm: cơ sở hạ tầng pháp lý, cơ sở hạ tầng thanh toán và truyền thông để nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, giảm tâm lý e dè với hệ thống ngân hàng. Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước triển khai khá nhiều chương trình giáo dục tài chính như "Tiền khéo tiền khôn, "Những đứa trẻ thông thái".
Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chương trình truyền thông theo hướng dễ tiếp cận, phối hợp với các cơ quan truyền thông truyền tải dịch vụ ngân hàng, hướng đến đối tượng là bà con ở nông thôn, những người còn hạn chế trong tiếp cận dịch vụ hoặc đối tượng có tiềm năng như trẻ em, sinh viên, thanh thiếu niên.